Quá trình giải quyết tranh chấp trong tố tụng trọng tài luôn đòi hỏi các nhân tố tham gia phải có những kỹ năng riêng, sao cho khi vận dụng, việc giải quyết các tình huống sẽ đạt được hiệu quả và chất lượng nhất định. Trên cơ sở đó, nhằm mục tiêu hoàn thiện kỹ năng cho luật sư thông qua việc tiếp cận, phân tích ở góc nhìn của từng đối tượng trong một phiên họp giải quyết tranh chấp, vào ngày 01 tháng 12 năm 2018 vừa qua, tại Hội trường A1002 trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh đã diễn ra chương trình đào tạo, bồi dưỡng cho Luật sư Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh với chủ đề: “KỸ NĂNG LUẬT SƯ KHI THAM GIA TỐ TỤNG TRỌNG TÀI”.
Chương trình được triển khai dựa trên sự phối hợp chuyên nghiệp đến từ Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) và Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh. Có thể thấy, đây là hai đơn vị có uy tín và tầm ảnh hưởng lớn đến giới luật khi hiện nay, Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh là tổ chức có số lượng luật sư chiếm tỷ lệ trên 40% tổng luật sư cả nước với nhiều luật sư có trình độ cao và kỹ năng ổn định. Trong khi đó, VIAC cũng là một đơn vị đã hoạt động lâu năm, gây dựng được tiếng vang và nhiều thành tựu trong vai trò giải quyết tranh chấp. Chính nền tảng đó đã giúp chương trình trở nên rất thu hút khi có được sự quan tâm, tham dự của gần 200 Luật sư đến học tập, trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm.
Buổi trao đổi mở đầu với phần trình bày của PGS. TS Phạm Duy Nghĩa – Giám đốc Chương trình Thạc sĩ công (MPP) của trường Chính sách công và Quản lý Fullbright. Thông qua việc phân tích vai trò chung của Trọng tài, PGS. TS Phạm Duy Nghĩa đã tiến hành đánh giá và tư vấn kỹ năng cho luật sư trong quá trình tham gia tố tụng trọng tài, nổi bật như cách tư vấn cho thân chủ về vấn đề lựa chọn trọng tài, các công viêc cần làm trước khi khởi kiện, phương thức thương lượng để đạt hiệu quả cao. Ngoài ra, PGS.TS Phạm Duy Nghĩa còn chú trọng vào những công việc của luật sư cần làm sau khi nhận được phán quyết, qua đó trao đổi và làm rõ hơn vấn đề về thực thi phán quyết có hiệu lực của hội đồng trọng tài.
Tiếp nối sau đó, LS. Nguyễn Mạnh Dũng – Phó Giám đốc Trung tâm Hòa giải Việt Nam (VMC), thành viên Tòa trọng tài quốc tế ICC, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam đã tham gia trình bày với những chia sẻ từ góc nhìn của luật sư. Bằng kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình làm việc, luật sư đã chỉ rõ và phân tích cho luật sư tham gia về những vấn đề đáng lưu tâm như lựa chọn và tiếp cận trọng tài viên, các kỹ năng cần thiết khi áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, hay quy trình hòa giải trong trọng tài cùng các phản đối về thẩm quyền và chứng cứ trong tố tụng trọng tài. Ngoài ra, thông qua việc tham gia giải quyết nhiều vụ tranh chấp, LS. Nguyễn Mạnh Dũng còn có những chia sẻ về những điều nên và không nên trao đổi với trọng tài viên trong quá trình tiếp cận, qua đó hỗ trợ tốt hơn cho các luật sư trong việc bảo vệ thân chủ của mình xuyên suốt giai đoạn giải quyết tranh chấp.
Cuối cùng, Luật sư Châu Việt Bắc, Phó Tổng thư ký VIAC, Phó Giám đốc VIAC TP. Hồ Chí Minh đã trình bày cập nhật pháp luật về trọng tài thương mại, qua đó nêu lên được những điểm mới trong quy tắc tố tụng trọng tài VIAC. Đồng thời, qua bài trình bày của mình, luật sư Châu Việt Bắc mang đến cho chương trình góc nhìn từ phía Ban thư ký, qua đó, giúp mọi người có cái nhìn phân biệt giữa hoạt động của ban thư ký và hoạt động của hội đồng trọng tài trong quá trình tố tụng, nêu lên được vai trò cần thiết của ban thư ký trong việc hỗ trợ hội đồng trọng tài hoàn thành tốt chức năng của mình. Ngoài ra, với kinh nghiệm từ thực tiễn, luật sư Châu Việt Bắc cũng đưa ra được những lưu ý cho luật sư của các bên khi tham gia tranh chấp, góp phần là hành trang vô cùng cần thiết để quá trình tốt tụng diễn ra hiệu quả và nhanh chóng.
Cũng tại chương trình, các luật sư đã có cơ hội cùng trao đổi, thảo luận những thắc mắc trong thời gian hoạt động, cùng đúc kết lại những kỹ năng cho quá trình công tác. Đã có rất nhiều câu hỏi được đặt ra tại phiên thảo luận, đặc biệt là những câu hỏi liên quan đến khả năng công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài. Ngoài ra, việc thực hiện nguyên tắc giữ bí mật trong tố tụng trọng tài liệu có dẫn đến vi phạm trách nhiệm hình sự hay không cũng là vấn đề được các luật sư tham gia đưa ra trao đổi vô cùng sôi nổi, và dưới các góc nhìn đa chiều, từ góc nhìn của luật sư, của Ban thư ký hay chính góc nhìn từ thực tiễn xét xử của trọng tài viên do các báo cáo viên mang lại đã đưa ra những lời giải đáp hết sức thuyết phục cho các luật sư tham gia
Sau phiên trình bày của các báo cáo viên, các luật sư đã có thể cập nhật được những thông tin, kiến thức hữu ích phục vụ cho việc tham gia các hoạt động tố tụng. Đây chính là mong muốn của VIAC khi tham gia phối hợp cùng với Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh – một trong những đoàn luật sư lớn và có uy tín nhất cả nước, đó chính là cập nhật kịp thời những thay đổi, cũng như cung cấp thêm kiến thức chuyên môn trong hoạt động tố tụng trọng tài từ các góc nhìn đa chiều, qua đó nâng cao được chất lượng của các luật sư trong quá trình hành nghề của mình.